Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

HỒI KÝ TRẦN MỸ GIỐNG (KÌ 5)



Đã đăng:
Kì 1: “Gác bút nghiên theo việc binh đao”
Kì 2: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”
Kì 3: Từ Côn Sơn đến Thạch hãn
Kì 4: Những mảnh ký ức về đồng đội
  
Ông Nguyễn Công Sự (áo xanh) là đồng đội với tác giả cùng tham gia trận An Tiêm sau 40 năm gặp lại

LÊN CHỐT

          Chiến sự ngày càng vô cùng ác liệt. Con số thương vong tăng hàng ngày. Các đơn vị trực tiếp chiến đấu số bổ sung không bù kịp số thương vong. Nhiều trung đội chỉ còn dăm tay súng.

          Trung đội vệ binh chúng tôi được lệnh chia quân luân phiên tăng cường cho đơn vị trực tiếp chiến đấu. Tôi được cử đi đợt đầu. Trung đoàn trưởng Ngoan động viên chúng tôi. Ông nhấn mạnh:
          - Xuống đơn vị chiến đấu phải tỏ rõ được bản lĩnh của lính trung đoàn, lính cơ quan. Tranh thủ dùng phương pháp bắn tỉa tiêu hao sinh lực địch, gây cho địch tâm lý hoang mang lo sợ…
          Tôi mang theo khẩu AK lắp thêm máy ngắm, xuống tăng cường cho đơn vị chiến đấu. Liên lạc dẫn chúng tôi lên gặp tiểu đoàn trưởng. Khi gặp tiểu đoàn trưởng, tôi giật mình: hoá ra là Thái sẹo. Tôi lo lắng bất an nhớ lại vụ va chạm với Thái sẹo khi còn ở Bắc. Đó là lần ở Bãi Hà, chúng tôi không cho Thái sẹo vào họp giao ban trung đoàn vì Thái không mang giấy ra vào. Lần ấy Thái dọa tôi: “Mày nhớ mặt Thái sẹo này nhé!”…
          Bây giờ tôi về làm lính của Thái sẹo, coi chừng hắn trả thù thì nguy. Nghe lính kháo về Thái sẹo thật lắm chuyện kỳ. Thái sẹo có người anh ruột là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Trâu Điên nguỵ. Khi ở Bắc về Quảng Trị, Thái sẹo đem theo cậu cần vụ về nhà giỗ cha ở Triệu Phong. Hai anh em gặp nhau, không nói không rằng, tay luôn sờ bao súng. Thật trớ trêu, hai anh em ruột trở thành hai kẻ đứng đầu của hai đơn vị đối đầu nhau.
          Sau này được trở về trung đội vệ binh, tôi lại dưới quyền Thái sẹo. Thái sẹo được phong đại uý, về làm Tham mưu trưởng trung đoàn. Đôi lần có thời cơ nghỉ ngơi, chúng tôi chơi tú lơ khơ với Thái sẹo. Khi chơi bài, Thái sẹo dường như không bao giờ nhớ mình là chỉ huy. Thái thường xuyên bị chúng tôi hùa nhau vẽ râu, đội mũ. Cáu quá, Thái sẹo văng tục:
          - Đù mẹ!
          Chúng tôi chớp lấy lý do đó:
          - A, chửi làng hả? Phạt! Phạt! Phạt!...
          Thái cuống lên:
          - Không, tao không chửi làng.
          - Không chửi làng thì chửi ai?
          - Ờ... Tao chửi tao.
          - Ha ha ha…
          Có một lần, chúng tôi dùng thủ pháo ném xuống hố bom, vớt được cả rổ cá rô. Đánh vảy, ướp muối, chưa kịp kho. Nửa đêm Thái sẹo đi trinh sát về, đói bụng, bèn bốc cơm nguội ăn với cá rô. Sáng sau thấy cá vơi đi, Châu kêu:
          - Cá chưa kho mà thằng nào đã ăn thế?
          Thái sẹo văng tục, vừa chửi vừa móc họng để nôn ra.
          Khi tôi được cử đi học sĩ quan lục quân thì Thái sẹo cũng đi học sĩ quan cao cấp – Học viện quân sự. Tôi tốt nghiệp sĩ quan lục quân lại được điều về Sư đoàn 338, mà không về trung đoàn 101 sư đoàn 325, thành ra không có dịp gặp lại Thái sẹo.
          Trở lại chuyện gặp Thái sẹo, tôi cứ thấp thỏm lo Thái sẹo trả thù... Hình như Thái sẹo không nhớ, hoặc cố tình tỏ ra không nhớ chuyện xích mích với chúng tôi trước kia.
          Thái sẹo nói say sưa:
          - …Đồng chí xuống đơn vị tham gia giữ chốt An Tiêm. Nhiệm vụ giữ chốt rất nặng nề. Chốt là phải chốt chắc. Muốn chốt chắc, phải kết hợp với vận động tấn công. Phải biết chớp thời cơ tấn công tích cực, tấn công dũng mãnh, tấn công chớp nhoáng, tiêu diệt được hỏa lực và sinh lực địch. Phải giữ được chốt bằng mọi giá. Phát huy sức mạnh tổng hợp, cần phải hiệp đồng tác chiến nhịp nhàng giữa cá nhân với cá nhân, giữa đơn vị với đơn vị…
          Nói rồi Thái sẹo gọi liên lạc dẫn tôi xuống đơn vị. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là đại đội 3.
          Chính trị viên đại đội giữ chốt An Tiêm người Nghĩa Hưng - Nam Định mà tôi không sao nhớ được tên, là chú cái Hồng cùng học đại học thư viện K6 với tôi. Khi biết tôi là đồng hương, lại là bạn học của cháu mình, chính trị viên tỏ ra rất vui. Ông chuyện trò thân mật, dặn dò tôi rất kỹ về kinh nghiệm chiến đấu ở chốt. Sau khi ở chốt về, tôi không được gặp lại ông. Đến giờ tôi cũng không được biết ông ra sao…
          Liên lạc dẫn tôi tới hầm chỉ huy thê đội giữ chốt. Đồng chí chỉ huy hỏi trong tiếng pháo rít không khí:
          - Cậu tên gì?
          - Tôi tên Giống.
          - Cậu về tiểu đội một nhé!
          Liên lạc đại đội dẫn tôi tới hầm trung đội báo cáo tình hình rồi đưa tôi lên tiểu đội. Trên đoạn đường đến vị trí chốt của tiểu đội, chúng tôi khi bò trườn, khi lom khom theo giao thông hào nông choèn. Tiếng đạn pháo bắn cầm canh rít trên đầu. Cối cá nhân của địch điểm đều đều “cắc”… “oành”, “cắc”… “oành” xuống trận địa ta. Từng tràng tiểu liên rộ lên, khi ở phía này, khi phía kia…
          Tiểu đội tôi có 5 tay súng. Tiểu đội trưởng chỉ cho tôi vị trí và khu vực đảm nhiệm chiến đấu, nhìn tôi ái ngại:
          - Cậu lẻo khoẻo quá! Cậu ấm sinh viên hả? Thế này nhé, trong khi chúng tớ lo công sự, hào giao thông, cậu cảnh giới tỉa địch…
          Tôi bắt tay ngay vào việc đào sâu thêm hố chiến đấu của mình. Hàng ngày chúng tôi ra sức đào giao thông hào, củng cố hầm chiến đấu. Mỗi đêm một lần vận tải đưa lương khô, rau xào khô, cơm nắm lên chốt. Khi bộ phận vận tải trở ra thì tải thương binh về phía sau
          Buổi tối, mỗi người được một nắm cơm ăn với ca-la-thầu (rau khô Trung Quốc), buổi chiều thì ăn một phong lương khô. Có hôm chúng tôi phải ăn cơm thấm máu của chiến sĩ vận tải. Nhiều lần vận tải bị pháo chặn, thương vong tổn thất lớn, nhưng anh em quyết không để chúng tôi đứt bữa.
Khi trời mưa, hầm ngập nước, chúng tôi thay nhau tát nước. Khi trời nắng, chúng tôi cắt phiên lo nước uống hàng ngày. Nước được lấy từ những hố bom. Mỗi bi-đông nước được bỏ vào hai viên thuốc “lọc nước” để tiệt trùng. Có lẽ do đặc tính con người ta thích nghi với hoàn cảnh để tồn tại nên chúng tôi không mấy khi bị đau bụng. Nhiều khi đi lấy nước, chúng tôi bị địch phát hiện. Chúng bắn xối xả và còn gọi cả pháo kích nữa. Không ít người đã thương vong trong khi đi lấy nước.
          Đêm ngủ ngồi, không màn, quờ tay bắt được muỗi.
          Chốt địch dàn hàng ngang đối diện với chúng tôi. Chốt gần nhất cách chúng tôi chừng 50 mét. Các tay súng phát huy khả năng bắn tỉa. Đêm đêm hai bên tổ chức tập kích nhau. Có ngày nổ ra ba bốn trận lớn nhỏ. Chỉ một thay đổi nhỏ trên mặt đất như mảnh dù pháo sáng hôm qua rơi xuống, hôm nay không thấy đâu, là địch pháo kích, phóng M72, rót M79 vào những nơi chúng nghi có Việt cộng. Không ngày nào là không phải sửa chữa hầm hào do pháo địch cày xới. Ở chốt ít khi phải chịu đựng bom. Chỉ khi địch chuẩn bị tấn công, chúng rời chốt, lùi về sau, máy bay mới đánh bom. Pháo mặt đất của ta thỉnh thoảng dập sang trận địa đối phương. Mỗi lần pháo ta bắn, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh.
          Điều kiện ăn ở, sinh hoạt của chúng tôi như loài chuột. Suốt thời gian ở chốt, chúng tôi không rửa mặt, không tắm giặt. Mùi hôi từ người chúng tôi ban đầu rất khó chịu, sau quen mũi. Pháo địch cùng những trận chiến liên miên làm thần kinh chúng tôi luôn trong trạng thái căng thẳng. Mỗi người một vị trí chiến đấu, đảm bảo một khu vực được phân công. Thời gian gặp nhau rất hiếm.
          Nhìn thấy bóng người loáng qua loáng lại bên chốt địch. Tôi nổ súng. Phát hiện vị trí chúng tôi qua khói súng, địch phóng tới một quả M72. Đạn nổ ngay trước mặt tôi, may có mô đất che đỡ. Tôi buộc giây vào các tấm tôn, từ xa giật giây cho phát ra tiếng kêu, lừa cho địch nổ súng thì bắn trả. Sau này ban chính trị trung đoàn gọi đó là sáng kiến đem phổ biến cho toàn đơn vị. Tôi bắn vào loại khá nên hiệu quả cao. Hồi huấn luyện, môn xạ kích tôi thường đạt loại giỏi. Chỉ cần năm bảy giây phát hiện địch trong khoảng cách ba trăm mét trở lại là tôi có thể điểm xạ “bách phát bách trúng”. Mỗi khi nghe tiếng AK điểm xạ 2 phát một “tằng, tằng” giòn giã của tôi, đồng đội đoán chắc một địch đã trúng đạn. Cái tên “Chiến sĩ bắn tỉa” được anh em tự phát gọi thay tên tôi. Anh em lính mới nhìn tôi với ánh mắt tin tưởng và cảm phục. Lính mới vào rồi thương vong, tôi không còn kịp biết tên họ. Có lần, một cậu lính trẻ măng hỏi biết tôi có vợ quê Thư Trì (Thái Bình), cậu ta reo lên: “Em ở Thư Trì đây”. Tôi định bụng khi có dịp sẽ hỏi cậu ta về tình hình ở quê vợ, nhưng ngay đêm ấy đi tập kích, cậu ấy hy sinh.
          Suốt thời gian ở chốt, tôi không hề bị thương. Trong khi đó, cán bộ đại đội, trung đội thay đổi luôn vì thương vong. Số chiến sĩ tiểu đội tôi cũng đã thay liên tục. Tôi luôn phải gồng mình che giấu nỗi sợ chết. Khi địch tấn công, người tôi run bắn lên, da cứ giật giật. Nhưng khi đã nổ súng, cái sợ biến đâu mất. Tôi quan sát, nhận định và hành động như máy. Chúng tôi rải băng đạn, thủ pháo, lựu đạn và súng ở nhiều vị trí dọc giao thông hào. Khi bị tấn công, chúng tôi vận động đến vị trí nào cũng có sẵn vũ khí đánh chặn địch.
          Tôi không còn nhớ được bao nhiêu trận trong thời gian giữ chốt An Tiêm. Hình ảnh đồng đội còn lưu đậm trong kí ức tôi là những khuôn mặt khô khốc, đen sạm khói đạn, mắt bắt ánh sáng đèn dù lấp lóe, răng trắng ởn, tóc bết vào thái dương và trán… Đôi khi bắt gặp khuôn mặt tái xám, ánh mắt thất thần của một đồng đội không vượt qua được nỗi sợ chết. Có lần tôi tâm sự với một cậu người xứ Thanh:
          - Tao cưới vợ trước khi đi B nên rất sợ chết. Hiện nay chúng ta chiến đấu với quân ngụy là chính. Giặc Mỹ chỉ để lại cố vấn và máy bay đánh bom. Giá mà quân Thiệu và quân Giáp tìm cách đàm phán chung sống hòa bình thì hay biết bao, bởi ta và ngụy đều là người Việt Nam mà. Sao lại cứ “gà cùng một mẹ” nện nhau hoài làm biết bao thanh niên phải chết...
          Cậu lính người xứ Thanh nổi đóa:
          - Đồ vô chính phủ. Ý thức giai cấp hỏng. Giảm sút tinh thần chiến đấu sẽ bạc nhược đầu hàng địch hoặc B quay cho mà xem. Đã ra chốt, mày không bắn nó, nó cũng bắn mày. Không còn cách nào khác là phải chiến đấu hết sức thì mới có hy vọng được sống trở về… Tao là tao cứ kiên quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
          Nghe hắn nói, tôi như pháo tịt ngòi. Chợt nhớ chuyện thằng Trịnh (tôi không nhớ chính xác họ tên cậu ta) bỏ chốt. Lần ấy bọn rằn ri tấn công chiếm chốt. Chúng quét AR15 như mưa về phía chúng tôi. Thằng chỉ huy cầm súng ngắn, miệng khi thì thổi còi, khi thì hò hét “Dô lên! Dô lên!” đốc thúc lính tấn công. Trái ngược với địch, quân ta khi tấn công thằng nào là đảng viên, là chỉ huy phải xông lên trước.
          Đang theo dõi địch, chợt nghe tiếng thằng xứ Thanh gằn lên: “Quay lại, không tao bắn!” Tôi quay nhìn, thấy thằng Trịnh đang bò trườn rời khỏi chốt. Nghe tiếng thằng xứ Thanh, Trịnh quay lại nhìn, hai mắt nó trắng dã thất thần. Vài giây, nó lại trườn thoăn thoắt như rắn. Tôi định bảo thằng xứ Thanh thôi kệ nó, nhưng loạt tiểu liên cực nhanh của địch sạt qua tai buộc tôi phải quay lại chống trả. Không có thời gian ngắm bắn. Thấy bóng địch là roẹt luôn một loạt AK. Nghe tiếng AK điểm xạ 2 hoặc 3 phát một là biết ngay đó là lính đã dày kinh nghiệm chiến đấu. Cậu nào non tay thì xả cả tràng dài. Địch gần, chúng tôi ném lựu đạn. Chúng tôi vận động từ vị trí này đến vị trí khác. Mọi ý nghĩ, xử lý tình huống đều chớp nhoáng như không suy nghĩ gì cả.
          Địch bị chúng tôi đánh bật trở lại. Chúng lui về củng cố lực lượng chuẩn bị đợt tiến công mới. Giữa hai đợt tiến công, địch gọi pháo “vua chiến trường” nã vào chốt chúng tôi. Tiếng nổ rung chuyển đất. Mảnh đạn văng như mưa rát bỏng không gian. Mặt đất bị cày xới tung lên nhiều lần. Hầm hào bị đánh sập. Mặt đất nham nhở hố pháo. Mùi thuốc đạn khét lẹt. Pháo dừng bắn. Chúng tôi chui từ đất lên…
          Đột nhiên không gian im ắng lạ. Tai tôi ong ong. Hai mu bàn tay đen nhẻm, lòng bàn tay rát bỏng vì nắm vào phần sắt của khẩu AK báng gập. Mồ hôi cay mắt. Mấy giọt rớt xuống trúng nòng AK sủi lên rồi biến mất. Màu quần áo biến thành màu đất và khói súng. Khẩu AK thứ ba bị trúng mảnh đạn, phải thay khẩu khác. Tôi theo dõi địch và phát huy sở trường bắn tỉa. Ngày và đêm ở chốt dường như không rõ ràng, rạch ròi như ở hậu cứ. Đêm đêm chốt được đèn dù soi sáng như ban ngày. Địch không mấy khi tấn công chiếm chốt vào ban đêm. Nhưng đêm là khoảng thời gian của những trận tập kích. Khoảng lặng hiếm hoi báo hiệu một trận chiến mới sắp diễn ra. Dường như chúng tôi đã quá quen với tình huống đó…
          Một hôm cậu liên lạc đại đội bò tới chốt, bảo tôi:
          - Anh Giống ơi! Chính trị viên phó bảo em truyền đạt cho anh biết: anh phụ trách tiểu đội thay thế tiểu đội trưởng hy sinh hôm qua.
          Tôi vặc liên lạc:
          - Cậu về bảo chính trị viên phó xuống giao nhiệm vụ trực tiếp tôi mới nhận.
          Liên lạc nháy mắt:
          - Em chỉ biết truyền đạt lệnh của C viên phó, làm hay không tuỳ anh. Thôi em về để còn đổ bô cho C viên phó đây.
          Nghe anh em xì xèo tay chính trị viên phó mới lên này nhát như thỏ. Từ hôm lên chốt, hắn nằm bẹp trong hầm, đi ỉa vào loong bắt liên lạc đổ. Hơn một tháng chiến đấu giữ chốt, số cán bộ tiểu đội và trung đội hy sinh hoặc bị thương hầu hết, thay liên tục, thành ra chẳng ai muốn nhận chức chỉ huy cơ sở. Làm cán bộ tiểu đội, trung đội là phải đi trinh sát, rồi dẫn quân đi đánh, xung trận phải lên đầu.
          Đầu tháng 11 - 1972 địch mở cuộc hành quân “Sóng thần 9” tấn công Nham Biều, Ái Tử. Từ trước đó, tháng chín và mười, tại chốt chúng tôi giữ, địch liên tục thay quân luân phiên tấn công hòng chiếm lại chốt. Quân số chúng tôi đã thiếu lại luôn biến động vì thương vong hàng ngày.
          Một hôm, liên lạc truyền đạt lệnh của Ban chỉ huy C là 19 giờ tối sẽ thay chốt để về hậu cứ củng cố lực lượng. Buổi sáng bỗng yên ắng lạ. Tôi nằm ngửa nhìn trời và tự cho phép mình xả hơi. Nhưng đến chiều trực thăng quần đảo và bắn đại liên, thả cối xuống chốt. Khi trực thăng rút, pháo kích lại dồn dập. Cả khẩu đội cối 60 của đại đội ở phía sau bị trúng pháo hy sinh. Địa hình biến đổi sau trận pháo.
          Tôi không sao vượt qua được nỗi sợ hãi trước trận chiến, dù đã đánh nhiều trận. Thoáng thấy bóng một bộ rằn ri, tôi lia đại một loạt AK. Loạt AK của chính mình đã làm tôi tự tin và không còn co giật da nữa…

          Khi trận chiến tạm dừng, tôi mò lại các vị trí của tiểu đội. Cậu lính người Thanh Hoá hy sinh. Cậu ấy đã thực hiện đúng quyết tâm của mình: Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Cậu Quỳnh bị đạn cối cá nhân rót trúng ngực. Vết thương lộ xương, máu vẫn ri rỉ. Mặt cậu ta ám đen khói đạn, răng trắng ởn, hai mắt lấp lánh ánh đèn dù. Quỳnh yếu ớt:
          - Anh cho em ra với.
          Tôi bảo:
          - Cứ nằm đây chờ tao đi xem thế nào đã…
          Mò tới hầm chỉ huy, tôi gọi nhỏ:
          - Thủ trưởng ơi! Thủ trưởng ơi!
          Trong hầm có tiếng lục xục rồi “Đù mẹ” và vụt ra một quả mỏ vịt. Tôi phản xạ lăn vào ngách hào. Tôi quay lại chỗ Quỳnh.
          - Hầm chỉ huy bị chiếm rồi. Chắc mọi người đã rút ra. Mình cũng ra thôi Quỳnh ạ.
          Quỳnh bảo:
          - Anh lấy võng kéo em.
          Tôi đặt Quỳnh vào võng, kéo Quỳnh rời khỏi chốt. Tôi cứ nhằm hướng không có pháo sáng mà đi. Vòng cung pháo sáng chính là ranh giới vị trí chốt đối lập giữa ta và địch. Quẹt phải mảnh tôn. Lập tức “cắc”… “oành”, địch bắn cối cá nhân. Tôi lăn xuống hố pháo. Mũ cối bị mảnh đạn văng đi. Loanh quanh mãi vẫn chưa ra được đường 4. Bất ngờ có tiếng quát nhỏ:
          - Các bố làm lộ hết bây giờ. Ra hay vào?
          - Ra.
          - Đi lối này.
          Một cậu lính công binh, trên người mặc độc cái sơ líp, đầu bọc túi vải trắng chỉ hướng cho chúng tôi ra đường 4 để về tiểu đoàn quân y. Cánh công binh đang thực hiện nhiệm vụ đánh bom phóng loại vũ khí mới, chắc là để mở màn cho trận tiến công trên toàn tuyến phòng thủ Thạch Hãn.
          Gần tới đường 4, chúng tôi gặp nhóm vận tải đang trên đường vào chốt lấy thương binh liệt sĩ. Hai cậu vận tải cáng Quỳnh về tiểu đoàn quân y. Tôi cũng đi theo. Người tôi bỗng nóng hầm hập, run bắn. Ở chốt mãi không sao, bây giờ về tuyến sau lại sốt. Một cậu lính quân y bảo người tôi hôi thối quá và cho tôi bộ quần áo cũ để thay. Trước khi thiếp đi tôi còn kịp nhìn rõ những ánh chớp sáng loé bầu trời… Từ phía vòng cung pháo sáng nơi tôi vừa ở đó về vang lên ba tiếng nổ long trời. Đó là hiệu lệnh quân ta bắt đầu một cuộc tấn công mới.
          Sau ba ngày sốt ly bì, ngủ mê mệt, tôi khoẻ lại. Quỳnh đã được chuyển ra Bắc. Từ đó đến nay tôi vẫn không có thông tin về Quỳnh. Trên đường về ban chỉ huy tiểu đoàn báo cáo, tôi cứ lo lo có khi bị kỷ luật vì tội tự ý bỏ chốt cũng nên. Không hiểu tình hình ban chỉ huy đại đội ra sao, có còn ai không hay hy sinh hết rồi?
          Thái sẹo đã về làm Tham mưu trưởng trung đoàn. Tiểu đoàn trưởng mới truyền đạt mệnh lệnh của Tham mưu trưởng trung đoàn cho gọi tôi về trung đội vệ binh. Tôi như trút được gánh nặng lo bị kỷ luật. Tôi hỏi tiểu đoàn trưởng về ban chỉ huy đại đội, ông làm như không nghe thấy câu hỏi của tôi. Ông lặng lẽ đưa cho tôi mảnh giấy xé từ cuốn sổ tay ông vừa viết vội và ký tên. Trong mảnh giấy ông xác nhận thành tích chiến đấu của tôi và lời nhận xét rất tốt đẹp.
          Khi tôi về tới trung đoàn bộ thì các đồng đội xuống đơn vị cùng đợt với tôi còn sống đã về trung đoàn bộ từ tuần trước. B trưởng Dần, B phó Châu và A trưởng Sánh ôm tôi lắc mạnh, mắt ngân ngấn nước. Tôi cũng không sao cầm được nước mắt. Một cảm giác lạ lùng, gai gai lan toả trong người. Sau này tôi hỏi Dần:
          - Tao hay trêu ghẹo và đả kích làm mày có lúc nổi cáu lên, mà sao mày lại khóc khi tao trở về?
          Dần bảo:
          - Trên chốt ác liệt lắm, tao lo mày gầy còm yếu sức, lo mày bị thương. Nghe báo cáo mày chiến đấu dũng cảm, lập thành tích, được biểu dương... Mày về, tao mừng quá. Có mày về rồi, khoản công tác văn nghệ tao yên tâm.
          Vậy là hành động của tôi đã được truyền về trung đoàn bộ từ trước…
          Buổi tối, tham mưu trưởng Thái sẹo cho gọi tôi lên gặp. Thái sẹo cho tôi biết đơn vị thay chốt dính pháo trên đường, tổn thất nặng nề, phải rút ra ngoài củng cố rồi mới vào đánh chiếm lại chốt.
          Tin lan truyền trong lính: quân cảnh vừa bắt được 5 thằng B quay của trung đoàn ở Bãi Hà, trong đó có một thằng C viên phó, một thằng B trưởng...
          Trung đội vệ binh chúng tôi xuống chiến đấu cũng tổn thất nặng nề. Cứ mười người đi, chỉ bốn người trở về. Mấy tuần sau, Chính uỷ Nguyễn Trung Nến trịnh trọng thông báo trong cuộc họp giao ban:
          - Trung đội vệ binh được đề nghị tặng thưởng huân chương chiến công giải phóng hạng ba. Có 5 cá nhân được tặng danh hiệu dũng sĩ quyết thắng cấp ba và cấp hai, ba người được tặng Huân chương chiến công giải phóng hạng ba.
          Ông tự hào nhấn mạnh:
          - Lần đầu tiên trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam có một đơn vị vệ binh được tặng Huân chương chiến công giải phóng trong chiến đấu.
          Cá nhân tôi được tặng Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba và Danh hiệu dũng sĩ quyết thắng cấp 2.
          Chúng tôi vốn rất quý trọng chính ủy. Ông cư xử với lính như cha chú đối với con cháu. Sau này trên đường ra Bắc học Sĩ quan lục quân, tôi cùng Nguyễn Văn Sánh về vùng quê biển Thanh Hóa thăm gia đình ông. Nhà ông đơn sơ, nghèo lắm! Vợ ông và cô con gái vừa tốt nghiệp đại học sư phạm tiếp chúng tôi như đối với người thân yêu. Từ đó đến nay tôi chưa có dịp được gặp lại ông.
          Biết tôi viết chữ đẹp, Ban tham mưu trưng tập lên chép báo cáo của Trung đoàn và danh sách chiến sĩ hy sinh. Con số thứ tự trong danh sách hy sinh, theo trí nhớ của tôi, lên tới trên bảy trăm người, đa phần quê Nam Định và Thái Bình.
          Trải qua những ngày tháng chiến đấu khốc liệt, tôi còn được sống, thật là một kì tích. Tôi tự hỏi: do số hay do may mắn mà tôi không hề hấn gì sau hàng tháng chiến đấu liên tục trong máu lửa trên tuyến đầu của phòng tuyến Thạch Hãn?
          Và tôi mãi mãi nhớ ơn những đồng đội đã ngã xuống cho tôi được sống trở về…
           
(Còn tiếp)

 Tọa đàm những CCB bảo vệ Quảng Trị năm 1972 (trích phần 1)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét