Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Ổ RƠM: Tiểu thuyết Trần Quốc Tiến (Chương 31-32)



Chương 31

Chuyện tình làng Trọng Nghĩa thêm một pha ly kỳ tuyệt hảo. Có ai ngờ được một ông lão đã tám mươi còn yêu và yêu rất mê đắm, “chiến đấu rất dũng cảm” để giành giật người yêu. Có thể nói cái đêm cùng người tình đi chơi Bến Trăng ấy đã đưa ông Phổng đến trạng thái “cải lão hoàn đồng”. Cái Bến Trăng có từ bao đời, đã chứng kiến hàng ngàn cặp tình nhân đến đây tình tự, nhưng chưa bao giờ nó chứng kiến một người tình đã ở tuổi tám mươi cặp kè cô người yêu thua mình gần bốn chục tuổi mà lại tình tứ, hồn nhiên và mê say đến thế. 

Đêm ấy Bến Trăng vì thế mà cũng khác thường, hình như ánh trăng không chỉ vàng mà còn có màu hồng, màu xanh da trời lấp loáng trên những vẩy sóng, còn gió thì rất nhiều mùi thơm như mang từ những cánh rừng đầy hoa tới. Con thuyền tình yêu lướt trên mặt Bến Trăng êm như có những bàn tay đỡ phía dưới. Người ta nói đó chính là hai đôi bàn tay của cặp tình nhân oan trái thuở nào chỉ nâng lên đỡ đáy thuyền cho những cặp tình nhân dị thường mà vô cùng tha thiết. Chỉ một đêm trên Bến Trăng mà chuyện đời đã sang trang mới. Người đàn ông đã ở tuổi tám mươi không còn nhận ra mình bao nhiêu tuổi. Mọi sức lực vung vãi cả một đời nay như hội tụ về đầy đủ, làm rạo rực những khát thèm, gọi dậy những ham muốn thanh xuân. Cả ông và nàng phút chốc quên cả tuổi tác. Nàng đòi hôn vì cả đời nàng ước ao được hôn mà chưa bao giờ được. Ông thì cũng cả đời chưa hôn, vì vậy mà chưa biết hôn. Giờ đây, hai trái tim cùng thổn thức, cùng khát khao cái mà gần cả cuộc đời chưa có được. Ông đã run rẩy ôm nàng, nàng cũng vòng tay ôm xiết lấy ông, rồi một bản năng nào đó đã xui ông ngoạm lấy đôi môi dày, nóng bỏng của nàng mà nún, mà mút, rồi hai cái lưỡi như cùng dài ra, bắt nhịp vào nhau. Đã lâu lắm rồi ông không được tiếp cận đàn bà. Bà vợ ông năm nay đã tám mốt, hơn ông vừa đúng một tuổi. Về cái “chuyện ấy” thì bà đã tắt từ hơn hai chục năm về trước. Bước vào tuổi sáu mươi, một đêm khi ông định đè bà thì bà đã chắp tay van lạy:
- Tôi cắn cỏ tôi lạy ông, ông hãy tha tôi làm phúc…
Ông bực tức thắt lại dải rút quần rồi hỏi:
- Sao lại có thể như thế được?
Bà lại chắp tay:
- Tôi van ông, tôi lạy ông, tôi đã một đời dâng hiến cho ông rồi, rồi vắt kiệt sức vì chồng vì con rồi, giờ đây tôi đã vào cái tuổi sáu mươi là tuổi già sức yếu, tôi như con bò con trâu đã đến lúc không mang nổi cái ách này nữa rồi!
Ông chặc lưỡi:
- Bà thì chỉ vẽ chuyện, tôi hỏi bà mới sáu mươi mà đã già à?
Bà trả lời:
- Chưa già thì cũng lấy làm già! Năm mươi là đã lên lão, tôi đã sáu mươi không già thì trẻ với ai?
- Nhưng tôi chưa già! - Ông nói hơi gắt.
Bà trả lời:
- Ông chưa già thì ông hãy lấy vợ hai đi, tôi không cấm!
Ông cau mặt:
- Bà lại muốn tôi mất chức, mất quyền à? Tôi đang là đảng viên, là tuyên huấn xã mà bà lại bảo tôi lấy vợ hai…
- Được cái nọ thì mất cái kia? Ở đời bao giờ chả vậy? Ông còn ham đè đàn bà thì hãy thôi chức tuyên huấn xã, xin ra khỏi đảng mà thỏa chí tang bồng…
- Bà nói dở! - Ông gắt.
- Còn nếu ông không chịu mất đảng, mất chức, mất quyền thì ông hãy nhịn! Tôi không hầu ông được nữa rồi.
Ông nghe vậy chán ngán, bỏ ra bàn hút thuốc. Từ hôm sau, mỗi người nằm riêng giường. Cuộc sống từ ngày ấy chẳng còn mấy lý thú. Ông thòm thèm, bà chán ngắt, cứ như hai người ở hai đầu trận tuyến. Xung đột luôn luôn xuất hiện. Không được thỏa mãn nên ông luôn tìm cớ hạch sách bà. Bà biết tâm trạng chồng nên thường là cố nhịn, lúc nào không nhịn nổi thì bà bảo “Ông đi mà lấy vợ hai!” Ông không nói gì. Rồi có lần thèm quá, đang đêm ông mò sang giường bà. Trời nóng bức, bà thiếu cảnh giác, nằm hớ tênh hênh, lại đang cơn ngủ say, thế là chẳng cần “hỏi ý kiến”, ông bất ngờ tấn công luôn. Bà bị đè bất ngờ, ú ớ một lát rồi hiểu ra nguyên cớ. Làm thế nào bây giờ? Kêu lên thì con nó nằm nhà ngoài nghe thấy, vả lại kêu thế nào? Chả lẽ lại kêu “ối làng nước ơi, tôi bị chồng hiếp, cứu tôi với!” Và nếu làng nước chạy bổ đến thì sao? Cho nên bà đành năm im chịu trận. Thỉnh thoảng bà khẽ bảo “Từ từ thôi, nó khô rồi, nên tôi đau lắm…? Ông lại chẳng cần nghe lời cầu cứu ấy, đã lâu rồi ông phải nhịn, giờ đây vớ được cứ tha hồ mà ngấu nghiến. Trận ấy ông làm việc kéo dài đúng một tiếng đồng hồ. Bà vừa đau vừa mệt mà phải cắn răng chịu đựng. Từ hôm đó, những lúc cáu lên bà gọi ông là “thằng phát xít”. Rồi thì cứ tối đến, lúc nào đi ngủ là bà gài cửa ngược. Thế là vào tuổi mới sáu mươi, ông đã phải nhịn cái khoản đàn bà. Nhưng đôi mắt còn trẻ của ông nó lại không chịu nhịn, nên những trưa hè, chiều hè ông thường ra chỗ khóm tre ngồi hóng mát để ngắm đùi đàn bà đang phơi ra dưới cầu bến. Cái chức tuyên huấn xã của ông không cho ông sờ mó thì ông cứ nhìn, ai cấm được ông. Ông nhìn và ông tích tụ những thèm khát. Cho đến khi ông nghỉ công tác xã, sang cái trại này rồi gặp thời trở thành địa chủ mới… Đêm ở Bến Trăng là điều vô cùng huyền diệu. Tình yêu thật sự ông tìm thấy cho đời là vào cái tuổi đã tám mươi. Người đàn bà ấy như một viên ngọc quý tỏa trăm ngàn huyền diệu sang ông. Tấm thân nàng mát như kem, lại nóng như lửa truyền sang cho ông, gọi dậy ở ông tất cả những khát thèm suốt đời tích tụ. Người ông bốc lửa, tình ông bốc lửa. Con thuyền tình rung lên. Ông ôm nàng, đôi môi tám mươi xuân đặt vào môi nàng. Hai người hóa kiếp, đốt đi năm tháng để trở về với tuổi thanh xuân…
Ngân vòng tay ghì chặt ông Phổng, hôn rất lâu vào môi ông rồi hỏi:
- Anh có yêu em thật không? Có định cưới em làm vợ không?
Đã bao lần nghe trả lời rồi mà Ngân vẫn hỏi. Ai kia có thể chế giễu Ngân là đốn đời mới phải lòng ông lão tám mươi. Còn Ngân thì lòng thổn thức. Ở lĩnh vực này, cuộc đời Ngân đầy nước mắt. Năm hai mươi tuổi, Ngân lấy chồng. Lão Toác ngày ấy cũng thuộc loại mồm mép, nghĩa là biết ăn nói, biết tán. Ngân không hề yêu nhưng vẫn nghe theo bố mẹ, gật đầu. Sống với nhau rồi, Ngân mới vỡ lẽ ra chồng Ngân là kẻ chơi bời nghiện ngập. Chẳng còn gì bất hạnh hơn là phải lấy một con người như thế. Cả đời chưa bao giờ gã hôn vợ, cũng chẳng bao giờ nói được một câu nhẹ nhàng, âu yếm. Đi làm thì chớ, về đến nhà là ra quán rượu, từ quán rượu về nhà là đổ ập xuống giường, xuống ổ nằm doãng chân doãng tay, dãi chảy ra hai bên mép, rồi ngủ một mạch cho tới sáng. Những năm tháng thanh xuân của cuộc đời, Ngân vùi trong những cơn say rượu của  chồng, không hề biết tình yêu, không hề biết hạnh phúc. Vào tuổi đã ngoài bốn mươi, Ngân bắt gặp một tình yêu ngồ ngộ. Ông lão tám mươi đã đem đến cho Ngân tình yêu, cái mà cả đời Ngân chưa bao giờ biết, gọi dậy ở Ngân niềm khao khát suốt bao năm dồn nén. Ngân như được lấy lại, sống lại với tuổi xuân một thời tưởng đã qua từ lâu, đã thả hết lòng mình để đón nhận. Cũng từ đêm ấy, đêm nào hai người cũng bồng bềnh thuyền ra Bến Trăng, cứ như một cặp tình nhân đang độ thanh xuân…
Một thời gian dài mà Toác không hề biết. Bởi cứ tối đến là gã ra quán rượu mụ Béo cho đến tận khuya mới ngất ngưởng về nhà. Từ ngày cô vợ đi làm cho ông chủ Phổng, đời sống khá lên, càng có điều kiện để say bí tỉ. Thế rồi một lần ở quán rượu giữa cái lúc ngà ngà say, gã nghe người ta nói oang oang:
- Vợ thằng Toác theo ông chủ Phổng rồi…!
- Hả? Cái gì toác toạc, phổng phao thế? - Gã lè nhè hỏi lại trống không.
Thằng bạn rượu uống cùng với gã liền nhắc lại:
- Vợ mày theo lão Phổng rồi, Toác ạ…!
- Theo thế nào? - Gã hỏi lại cũng vẫn cái giọng lè nhè.
      - Theo thế nào à? Mày về nhà mà hỏi vợ mày ấy! Đời lại có loại đàn ông ngốc nghếch như mày!
- Mày nói vợ tao theo lão Phổng?
- Cả làng nói chứ cứ gì tao…
- Tao nói cho mày biết lão Phổng hơn tuổi ông nội mày đấy!
- Thì ai bảo lão ấy còn trai trẻ!
- Thế mà mày dám mở mồm bảo vợ tao theo lão ấy! Tám mươi rồi, nằm kề miệng lỗ rồi mày hiểu không…
- Có người đã nằm ván rồi còn đưa tay sờ  vú đàn bà đấy!
- Sờ cái con khỉ! Đến thở còn chưa xong nói gì đến chuyện sờ gái! Mới ngoài bốn chục tuổi như tao đây mà cũng chỉ một tháng đôi tuần cho khỏi tội nghiệp nữa là…
- Ha ha! Chính là mày mất vợ ở chỗ đó. Đối với tao và mày thì rượu là trên hết phải không? Đù mẹ, lúc thèm rượu, thèm thuốc thì vợ ông đấy, thằng nào đưa ông mấy đồng rồi tha hồ sờ mó… Suốt đêm mày ở quán rượu thế này thì biết ai sờ mó vợ mình? Hay là mày bán ngầm vợ cho lão Phổng?
- Sao lại bán? Lão đã tám mươi rồi còn làm được chuyện gì mà bán với mua…?
- Ha ha! Bến Trăng… nhà thơ Thánh Cuội mới có bài thơ Bến Trăng đấy! Gã đang ngồi uống rượu bàn đằng kia, cậu muốn thưởng thức thơ gì thì đến đấy…
Nghe vậy Toác đứng dậy lảo đảo cầm chai rượu đến bàn có nhà thơ Thánh Cuội đang ngồi.
- Nào nâng cốc! Toác rót đầy rượu vào cốc cho Thánh Cuội nói – Tôi đề nghị ông nâng cốc và đọc thơ.
- Thơ nào? - Thánh Cuội hỏi lại.
- Thì đã là Thánh Cuội lại hỏi thơ nào . Duống đi rồi đoọcc… Thằng này say nhưng vẫn tỉnh để nghe thơ…Beến Trăănng…
Gãi đúng chỗ ngứa, Thánh Cuội liền đứng lên đọc luôn:
Bến Trăng đêm ấy tuyệt vời
Xôn xao oanh yến đẹp lời giao duyên
Anh thì đã tám chục niên
Em thừa bốn chục vẫn nên xuân tình
Trên đè dưới ưỡn dập dình
Con thuyền chao đảo chúng mình say mê…
Đọc xong Thánh Cuội hỏi:
- Có tuyệt không hở ông Toác?
Toác trợn mắt:
- Có thật thế không? Nếu nói sai thì dù là Thánh Cuội tao cũng vặn cổ!
Tức mình Thánh Cuội đọc tiếp:
Rượu vào thì vợ phải ra
Men tình để mốc men ma lại nồng
Toác hèn cái phận làm chồng
Thì cho chủ Phổng bế bồng hít hôn…
Đời lắm thằng dại ít thằng khôn
Có vợ không giữ, có l…không coi…
Nghe đến đây cả quán rượu nhảy lên vỗ tay ầm ầm. Có tới mười gã ma men cũng cầm chai rượu đến bàn Thánh Cuội:
- Xin chúc mừng…!
- Xin chúc mừng… thật đúng là thơ Thánh Cuội! Bài thơ của ông vừa rồi thuộc loại tuyệt tác…!
Toác đã say mèn, gã chẳng còn biết gì nữa, nên lè nhè chửi đổng:
- Bố chúng mày! L…mẹ chúng mày… thơ thế mà chúng mày bảo là tuyệt tác…
Đám bợm rượu không lấy thế làm tức, mà cứ cười hô hố, rồi giục Thánh Cuội:
- Kìa, đọc lại lần nữa đi… Đời lắm thằng dại, ít thằng khôn, có vợ không giữ, có l… không coi… tuyệt! Tuyệt lắm! Mỗi tháng ông cho chúng tôi nghe vài tuyệt tác loại này thì chúng tôi thấy đời vui phơi phới…
Toác không nói gì thêm liền lẳng lặng ra về. Dù say thì gã cũng linh cảm thấy một điều nghiêm trọng đã xảy ra. Gã về đến nhà vào lúc mới chín giờ. Hai đứa con gái đang ngồi xem tivi – cái tivi đen trắng cũ hãng Sam sung vợ gã mới khuân ở đâu về. Gã vào buồng tìm vợ, không thấy, chỉ thấy cái giường trống trơn. Gã nhớ ngay đến câu thơ của Thánh Cuội: “Có vợ không giữ, có l… không coi…” Thế là cấp tốc gã ra bến tìm chiếc thuyền, rồi cứ thế vun vút đẩy tới Bến Trăng. Lúc này cặp tình nhân Phổng – Ngân theo như lệ thường đang “ủn ỉn” ở Bến Trăng. Lâu nay anh chị tối nào cũng cứ quãng tám giờ tối khi bà Phổng cũng đã đi nằm và chàng Toác đã ra quán rượu mụ Béo là đẩy thuyền đến Bến Trăng. Họ trở lại thời thanh xuân thật sự, tối nào cũng ôm nhau hôn hít – sau khi ôm ấp hôn hít khoảng một giờ đồng hồ, khi mà cảm hứng đạt tới đỉnh cao thì cặp tình nhân này trút hết áo quần rồi làm “chuyện ấy”. Cái gã đàn ông tám mươi này dư thừa sinh lực, chiến đấu đến lúc người tình, dù cũng rất đa tình cũng phải đẩy ra:
- Thôi thôi…khiếp, cái gì cũng to như hộ pháp… em đuối sức rồi!
- Nữa chứ…anh còn thòm thèm…
- Sao mà trớn nhiều thế! Tối nào cũng vậy mà không chán à?
- Chán thế nào, chưa bao giờ anh thấy chán . Lúc nào cũng thấy thòm thèm…
- Thế anh bao nhiêu tuổi?
- Anh mới tám mươi thôi mà!
Cô tình nhân phì cười:
- Tưởng gì, mới có tám mươi, còn trẻ con quá, nào thì trớn nữa đi…
Đêm nay hai người cũng đang trớn như thế thì có bóng thuyền từ xa lướt tới.
- Có người đấy anh ạ, buông em ra đã nào… Ngân nói khi cô phát hiện thấy từ đầu đằng kia có ai đang đẩy thuyền rất nhanh lướt tới.
Chàng Phổng cứ ghì nguyên:
- Kệ! Anh còn thòm thèm lắm…
- Thôi thôi, buông em ra đã, nhỡ chồng em thì làm sao?
- Thằng ấy bây giờ ở quán rượu mụ Béo!
Chiếc thuyền lượn lách qua mấy khóm lăn lác, qua mấy đám sen rồi tiếp cận Bến Trăng. Chiếc thuyền của Phổng và Ngân ở phía đằng này, nép bên một khóm lác rậm rì, từ đây nhìn toàn cảnh Bến Trăng rất rõ.
- Chồng em đấy! - Ngân nói.
Người tình của nàng gật đầu:
- Thằng Toác thật. Sao nó biết mà mò ra đây?
- Đêm nào anh cũng đưa vợ nó ra đây ôm thì nó phải biết chứ! Hôm nay ngay từ chập tối nó đã ra quán mụ Béo uống rượu, chắc lại nghe người ta nói gì ở quán rượu nên mới tức tốc tới đẩy thuyền ra đây… bây giờ làm sao hở anh?
- Thì anh chọi với nó, bây giờ em là của anh chứ không phải của nó. Giờ phút này em nói rõ đi: Em yêu ai? Nếu em bảo em yêu chồng thì anh sẽ chạy, còn như em bảo em yêu anh và chỉ có yêu anh thôi thì anh sẽ “chiến đấu” để bảo vệ tình yêu!
- Em yêu anh! Và chỉ yêu có mỗi anh thôi!
Chàng Phổng sung sướng ôm ghì lấy người yêu hôn chun chút lên đôi môi mọng đỏ, đến nỗi chiếc thuyền lạ kia đã áp sát mà vẫn chưa chịu buông nhau.
- Thằng kia! Con trốn chúa lộn chồng kia… - Toác đã ép sát thuyền mình vào thuyền đối phương, đứng dạng chân giữa sạp thuyền quát.
Chàng Phổng và nàng Ngân bây giờ mới kịp buông nhau, trước khi buông hẳn chàng còn mút thêm một cái nữa vào môi nàng ngọt lịm. Rồi chàng đứng thẳng người giữa thuyền – trên người chàng lúc này cũng chỉ còn độc nhất cái quần si lip, người tình ngồi dưới chân chàng cũng thế. Chàng đứng thế tấn rồi chỉ tay sang thuyền đối phương:
- Muốn gì?
- Tao muốn vặn cổ mày! Toác gầm lên – Thằng chó kia…
- Bây giờ thế này: Giữa mày và tao đang tranh một đàn bà là Ngân. Mày bảo là vợ mày, còn tao thì bảo đó là người yêu của tao! Hãy hỏi nàng xem nàng thuộc về ai? Mày đồng ý thế chứ?
- Mả mẹ mày! - Toác gào lên.
- Nếu mày không đồng ý để hỏi là mày thua! Và Ngân thuộc về tao!
- Hỏi đi! - Toác quát lên – Con trời đánh kia mày trông rõ mặt chồng may chưa? Hãy nói to lên là em bị thằng chủ đểu cáng này dùng tiền mua chuộc và em vẫn yêu chồng em… Nói đi, nói đi rồi về nhà với anh. Và từ nay trở đi anh không ra quán Mụ Béo uống rượu đêm nữa…
Ngân từ từ đứng lên, thân hình mảnh mai của nàng đứng cạnh gã Phổng khổng lồ trông bé teo. Thấy thế Toác nghiến răng:
 - Trời ơi, nó to như con bò mộng thế kia mà để nó đè thì roác mẹ nó ra còn gì… Há mồm nói đi! Cấm khẩu rồi à? Hãy nói to lên rằng em yêu chồng em chứ không yêu thằng già đã tám mươi! Nói đi!
Ngân bắt đầu nói:
- Anh Toác ạ, từ ngày lấy nhau anh chỉ yêu có rượu ở quán mụ Béo chứ có yêu tôi đâu…
- Có… có yêu đấy…! - Toác vội trả lời.
- Không, không phải, anh chẳng yêu ai ngoài bản thân anh. Tôi sống với anh suốt bấy nhiêu năm là do trời ghép…
- Thôi thôi… nói đi rồi về nhà, đừng theo thằng già nữa!
- Vậy anh muốn tôi nói thật chứ gì?
- Nói đi!
- Vậy thì tôi yêu anh Phổng!
- Hoan hô! Chàng Phổng phổng mũi reo lên – Nghe rõ chưa hở Toác?
Chẳng nói chẳng rằng Toác  rút con sào quật tới tấp vào tình địch. Chàng Phổng bất ngờ bị quật liên tiếp mấy đòn trời giáng, liền nhảy phốc sang thuyền đối phương đánh giáp lá cà. Hai người quần nhau trên thuyền. Toác tuy nhỏ bé nhưng dai sức, lại thủ sẵn một đoạn tre già dài gần một mét nên bổ liên tiếp vào người đối thủ khiến ông ta loạng choạng suýt quỵ. Nhưng rồi chàng Phổng gượng được, tống liền hai quả tống nóng vào mạng sườn của đối phương. Toác lảo đảo, thuyền chòng chành, gã nhào xuống nước, chàng Phổng cũng theo đà ngã chồm lên. Hai người quần nhau dưới nước, chỗ này nước chỉ sâu tới ngực. Tất nhiên chàng Phổng có ưu thế hơn vì to cao gấp rưỡi gã kia, hai tay ông ta cầm lấy cổ gã Toác mà cứ dúi lên dúi xuống trên dưới mặt nước khiến gã này gần uống nước no và bị nước vào mũi sặc sụa…
- Lạy ông tha cho…
- Mày thua chưa?
- Dạ thua rồi ạ…
- Thua thế nào nói rõ ra!
- Dạ, con vợ tôi nó theo ông…
- Không phải theo, mà nó yêu tao, tao yêu nó, mày hiểu chưa?
- Dạ, nhưng nó là vợ tôi…
- Nhưng nó không yêu mày, hiểu không? Nói đi!
- Nói thế nào ạ?
- Nói rằng từ nay nàng Ngân thuộc về anh Phổng! Nói mau, không tao dìm chết!
- Dạ dạ…ông nới tay một tí kẻo tôi sặc…
- Nói đi: Một là để vợ mày cho tao vì nó không yêu mày thì mày không có quyền giữ. Hai là về chầu Diêm Vương, Hà Bá!
Vừa nói chàng Phổng vừa liên tục ấn đầu Toác xuống nước, rồi cho gã nhô đầu lên để nghe:
- Tao cho mày nửa phút!
Cảm thấy mình sắp chết đến nơi nên Toác nói:
- Từ nay… Vợ tôi là vợ ông…
- Có thế chứ! Chàng Phổng reo lên – nhớ đấy nhé: Từ nay vợ mày là vợ tao rồi, rõ chưa?
- Rõ ạ…
- Cút!
Phổng buông tình địch ra. Gã lảo đảo, đờ đẫn tưởng không đứng nổi, một lát sau gượng nhảy lên thuyền rồi đẩy đi. Đẩy tới một khoảng cách an toàn, Toác dừng thuyền quay lại phía đối phương và gào lên:
- Tao sẽ giết mày Phổng ạ…
Chàng Phổng lúc này lại đang vuốt ve người tình, cao hứng lên chàng trả lời rất to:
- Tao sẽ “chiến đấu” tới cùng để giữ vững tình yêu…

    Chương 32

Một trong những nguyên nhân rất quan trọng kìm hãm sự phát triển của xã hội là cái nạn đấu đá nội bộ để tranh giành quyền giành chức. Trong nhiều năm nay tệ nạn ngày càng trầm trọng diễn ra ở hầu hết các cấp, lan tràn vào ngóc ngách mọi lĩnh vực, đã tạo ra một lớp  người vừa là đồng chí, vừa là đồng nghiệp, vừa là bạn, vừa là thù không đội trời chung. Về danh nghĩa, những người ở cùng cơ quan đơn vị, cùng một cấp lãnh đạo thì là đồng chí, đồng nghiệp, là bằng hữu của nhau. Theo luật trời thì đấy là những người có bổn phận phải thương yêu nhau, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau vì sự nghiệp chung. Có thế mới là con người, mới hơn con vật, mới xứng đáng được giao chức giao quyền cầm cân nảy mực điều hành guồng máy xã hội, nắm giữ vận mệnh và đời sống của hàng vạn hàng triệu chúng sinh. Buồn thay, những điều này chỉ còn trên lý thuyết, tồn tại trên những công văn, những lời giáo huấn, trên những băng khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng ở mỗi kỳ đại hội. Ai cũng đọc, ai cũng thấy, ai cũng biết, ai cũng hiểu mà chẳng ai theo. Ấy mới là cái tai vạ khôn lường! Viên thuốc lời hay ý đẹp chỉ có công hiệu một thời, giờ thì nó đã bị loại siêu vi trùng mà bất cứ ai làm quan cũng đều  mắc phải, đặc biệt sinh sổi nảy nở rất ghê gớm từ ngày đất nước chuyển mình đổi mới. Cả một thời gian rất dài công việc quản lý nhà nước bằng nghị quyết, bằng thông tư, chỉ thị và những văn bản dưới luật, đến khi chuyển sang quản lý nhà nước bằng luật thì luật làm vội, vừa thiếu lại vừa mất cân bằng, mất tính ổn định, cứ phải liên tục sửa đổi điều chỉnh vì phải chạy theo những biến động xã hội và đời sống. Nhưng điều tai hại là có luật mà giới quan chức lại điếc đặc về luật, biến luật thành con búp bê bày trong tủ kính. Bởi thế mới có chuyện ông chủ tịch Phạm Tằng gạ ông chủ nhiệm Phan Tít đổi vợ cho mình để mình đổi chức chủ tịch xã cho, chuyện đại sự mà cứ như chuyện hồi còn thò lò mũi gạ nhau “Chơi với tao rồi tao nướng cua tao cho cái mu…”
Đêm ấy Phạm Tằng bị Phan Tít lừa nên ở vào thế cưỡi trên lưng hổ. Phan Tít đã bắt quả tang lần thứ hai kẻ ngủ với vợ mình, nhưng ông ta không phát điên, không nhảy xổ vào tình địch mà băm vằm, mà đấm đá, ngược lại lại cười ruồi đắc ý. Ấy là cái bẫy mình giăng ra, nay con thú ham mồi đã sập bẫy, sự thành bại trong sự nghiệp, trên bước đường công danh chính là giây phút này đây. Khi nghe Phạm Tằng từ trong buồng nói vọng ra:
- Tao đền ơn mày chức chủ tịch xã, còn tao sẽ lộn xuống làm chủ nhiệm, được chưa?
Thì Phan Tít như mở cờ trong bụng! Vất đi một con đĩ mà được chức chủ tịch xã béo bở thì phải là cao tay mới làm nổi! Thời cơ ngàn vàng đây rồi. Nhưng để chắc ăn, Phan Tít đã hỏi lại:
- Mày không nói trước quên sau, mồm mày không bẩn như đít quần đàn bà ngồi lê chứ?
Phạm Tằng đã thề:
- Tao thề…
- Không phải là “thề cá trê chui ống” chứ?
- Không!
- Lấy gì làm tin khi thả ra mày không trở mặt?
- Hãy tin tao!
Phan Tít ngồi lặng im suy nghĩ. Liệu có thể tin được không? Cùng làm việc với nhau lâu  ngày, Phan Tít hiểu rằng chẳng bao giờ nên tin vào lời hứa của kẻ cầm quyền. Cứ lấy ngay mình mà suy ra, thì một trăm điều hứa chưa chắc đã thực hiện được một điều.
- Hãy viết giấy đi! - Phan Tít nói vọng vào.
- Viết thế nào? - Phạm Tằng hỏi lại.
- Thì cứ viết toẹt mẹ nó ra rằng tao để vợ cho mày mày để chức chủ tịch xã cho tao! Toàn mặt mo cả, có gì phải sĩ diện! Có giấy bút chưa, không thì tao quẳng vào cho mà viết!
Nghe vậy, Phạm Tằng ngồi im. Nàng Thắm liền giục:
- Viết đi anh, viết mấy chữ là anh được em thôi mà!
- Vào lúc ấy Phan Tít đã quẳng bút và giấy vào qua khe cửa sổ. Thắm nhặt lên đặt vào tay người tình:
- Viết đi…
Phạm Tằng đặt tờ giấy lên đùi người yêu rồi viết nguệch ngoạc: “ Tao Phạm Tằng đồng ý  để chức chủ tịch xã cho thằng chó đẻ Phan Tít khi đã được toại nguyện với tình yêu…”
Mảnh giấy có chữ kỹ của Phạm Tằng được Thắm cầm ném qua cửa sổ. Phan Tít đọc xong nói vọng vào:
- Mày lại muốn làm thằng xỏ lá rồi! “Toại nguyện với tình yêu?” biết thế chó nào là toại nguyện với tình yêu! Ngộ mày toại nguyện rồi thì mày bảo chưa toại nguyện thì sao? Phải viết rõ thế này: “Tôi hiếp dâm vợ ông chủ nhiệm bị bắt quả tang hai lần. Để chuộc tội, tôi xin từ chối chức chủ tịch xã, nhường cho người có vợ bị tôi hiếp dâm” Đấy cứ thế mà viết! Còn việc gì phải văn vẻ “toại nguyện tình yêu” mà nói thật, cái tình yêu của mày với con vợ tao thì tao  nhổ toẹt vào! Nào viết đi, có viết y nguyên như lời tao vừa nói không thì bảo?
Thắm lại giục người tình:
- Viết đi! Viết thế nào cũng được miễn là thoát được tình cảnh lúc này anh à!
Phan Tít nói vọng vào:
- Và nhớ là phần cuối phải có câu “Tôi cam đoan thực hiện đúng những lời đã viết trên đây. Nếu sai thì sẽ bị ông Phan Tít xử lý…”
Phạm Tằng không nói gì thêm, lẳng lặng cầm lại giấy bút, viết đúng như những lời Phan Tít yêu cầu, rồi ký tên. Nàng Thắm đỏ bừng mặt vì vui sướng, gấp tờ cam đoan làm tư rồi ném qua cửa sổ cho chồng đang đợi ở nhà ngoài. Năm phút sau cánh cửa buồng được mở. Phạm Tằng và Thắm cùng ra. Hai bên nhìn nhau bình thản như hàng ngày họ vẫn giáp mặt nhau ở các cuộc họp.
- Thế nào? - Phạm Tằng hỏi.
- Thế nào? - Phan Tít cũng hỏi lại đúng như lời Phạm Tằng vừa hỏi mình.
- Tôi muốn hỏi ông rằng…Thắm bây giờ thế nào…
- Cứ ở tại đây đã! - Phan Tít trả lời. Với bên ngoại ta coi như chưa có chuyện gì cả. Bầu cử xong, nếu đúng như lời ông đã cam kết tôi sẽ làm đơn ly hôn vợ và ông cũng làm đơn ly hôn vợ ông. Sau đó tôi sẽ làm lễ đăng quang chức chủ tịch xã, còn ông làm lễ cưới…
- Nhưng ông phải hứa là đối xử tốt với Thắm và nhất là… không được… cái khoản kia …
- Vợ tao mày lại ghen ngược à thằng xỏ lá? - Phan Tít hỏi vặn.
- Cam kết trao đổi rồi như? - Phạm Tằng cãi lại.
- Nhưng tao đã được giao chức chủ tịch xã đâu?
- Rồi sẽ được giao! - Phạm Tằng khẳng định.
- Thôi được, tao hứa… cút!
Phạm Tằng lủi thủi ra về. Bấy giờ là vào quãng nửa đêm về sáng, trăng thượng tuần đã lặn từ lâu, bầu trời đen kịt nhiều mây, một vài ngôi sao le lói tỏa ánh sáng mờ mờ xuống vệt cỏ hai bên đường. Phạm Tằng thất thểu đi trên con đường mới lát đá khá phẳng phiu, cõi lòng thì buồn vui lẫn lộn. Niềm vui thoát nạn, niềm vui sẽ chiếm trọn người tình mà cõi lòng bao năm vẫn hằng ao ước. Nhưng nỗi buồn sẽ phải mất chức chủ tịch xã cũng là nỗi buồn ghê gớm. Vào thời điểm lúc này chức trưởng thôn đã là lớn, là niềm mơ ước của nhiều người, là bậc thềm của sang giàu, chẳng là chức chủ tịch xã – ông vua con của cả một vùng quê đầy màu mỡ thì sự mất mát này là vô cùng tai hại không gì bù đắp nổi. Lúc này trên đường lử khử về nhà, từng bước đi chậm chạp, Phạm Tằng mới thấm thía nỗi đau. Điều xảy ra vừa rồi là ngoài dự kiến, là tình huống bất ngờ mà bất cứ kẻ si tình nào cũng thường gặp phải. Chuyện phải lòng gái thì đã nhiều anh bị mất đầu, chứ chưa nói gì là mất chức! Cả một đời gắng gượng, cả một đời phấn đấu phút chốc tan tành chỉ vì một con đàn bà đĩ tính. Tằng đã ở cái tuổi năm mươi, cái tuổi lẽ ra không còn ngờ nghệch dại khờ. Không, chuyện gái thì càng cao niên càng dại khờ ngốc nghếch, bởi có lẽ đến quãng đời này tạo hóa lại ban cho con người những năm tháng hồi xuân, những đòi hỏi, những khát thèm tương tự như thời thanh xuân để rồi người đã cao niên lại lao vào những mối tình còn ngông hơn cả thời trai trẻ. Chỉ một làng Trọng Nghĩa đã có đến hai mối tình ngông ngạo: Xóm Trại thì ông Phổng và nàng Ngân, xóm dưới thì Phạm Tằng và nàng Thắm, tất cả đang có vợ có chồng, nhưng đều chán vợ chán chồng rồi khăng khăng lao vào mối tình ngông ngạo. Ông Phổng thì chưa biết phải trả giá thế nào, còn Phạm Tằng ít nhất là mất chức chủ tịch xã. Rồi cả họ Tằng sẽ ra sao? Bởi từ ngày chuẩn bị bầu cử tối nay, Tằng đã lôi cả họ vào trận, cả họ phải góp công, góp sức, góp trí, góp mưu để Tằng ngồi vững trên ghế chủ tịch xã để rồi sau đó cả họ được nhờ. Phần thắng coi như đang cầm chắc. Đùng một cái, cái thằng cả họ gửi gắm niềm tin đã làm mất mặt tổ đường thì chỉ vì cái mu của con đàn bà , sắp quẳng đi tất cả. Họ Phạm đến thời mạt vận rồi chăng? Cái họ Phạm này to nhất xã, cũng là họ có danh nhất xã, suốt mấy chục năm nay họ này thay nhau làm bí thư, chủ tịch. Rồi những người đi xa thì cấp tá cấp tướng, giáo sư, tiến sỹ đều có. Thế mà bây giờ… trời ơi, chỉ nghĩ đến Phạm Tằng đã lạnh xương sống. Rồi đây sẽ ăn nói với họ hàng ra sao? Chắc chắn lão trưởng họ Phạm Văn Bốc sẽ nổi trận lôi đình. Lão này là chúa đầu óc địa phương chủ nghĩa, cái nếp nghĩ “một người làm quan cả họ được nhờ” bám chắc trong đầu lão như chùm rễ đa rễ si bám sâu xuống đất không sao nhổ ra được. Lão đã điều quân khiển tướng, đã đưa cả họ vào thế trận, đã chỉ thị cho hơn năm chục đảng viên là người trong phải ra tay thật quyết liệt để họ này giữ được ghế chủ tịch xã. Cái đội quân đỏ đít ấy đã ra tay và sắp thành công mĩ mãn. Lão trưởng họ cũng đã nhằm một con lợn tạ để cả họ ăn khao mừng chức chủ tịch xã lại một lần nữa về tay người họ Phạm. Ấy thế mà… trời ơi…Trong khi Phạm Tằng đang choáng váng vì cú sốc chơi gái và hậu quả tệ hại của nó thì một cú còn thực sự choáng hơn, tức là một quả tống nóng không biết từ đâu choảng đúng đầu gã làm gã loạng choạng rồi ngã bổ nhoài xuống mé dậu cúc tần nhà ai đó bên vệ đường. Tiếp theo là hàng loạt các cú đấm trời giáng vào mạng sườn, vào ngực, vào lưng. Trận đòn bất ngờ làm gã tối tăm mặt mày. Trong cơn hoảng loạn Tằng vẫn nhận ra rằng trận đòn mà gã đang chịu đây có cái gì đó thật khác thường, những cú đấm rất bài bản, đánh mà như không, như không mà chịu trận trời giáng, cứ bình bịch, bốp bốp vào bụng, vào ngực, vào lưng. Chưa nhìn rõ người, chỉ thấy loang loáng trong ánh sao mờ. Tằng lăn ra, quằn quại, đau khủng khiếp, muốn kêu mà không sao kêu được. Một trận mưa đấm kéo dài đến mấy phút. Rồi những âm thanh khác lạ rít lên nghe cứ như tiếng người ngoài hành tinh:
- Này mua bán chức tước này… bịch bịch…
- Này kéo bè, kéo cánh, kéo cả họ hàng vào cuộc tranh đua này… bốp bốp…
- Này đổi chức quyền lấy gái đẹp này… bịch bịch…
Mỗi một câu hỏi là một trận mưa những quả đấm. Câu cuối cùng là:
- Số mày hết quan rồi, phải làm dân ngay, rõ chưa?
- Bẩm, rõ ạ!
- Rõ thế nào?
- Bẩm… con xin trở lại làm dân thường lương thiện…
- Đúng thế không?
- Đúng ạ…
- Nếu sai thì sao?
- Dạ bẩm…nếu sai thì bị… thiến ạ!
- Được tha cho, nhớ lấy!
Nói xong vụt một cái bóng đen biến đi. Tằng bò được về đến nhà thì đã quá nửa đêm, chị vợ cuống cuồng dìu vào, phải một lúc lâu mới nhận ra cái thân tàn ma dại của chồng chị, tức ông chủ tịch xã vốn hét ra lửa…
Cũng vào đêm ấy, khoảng hai giờ sáng Phan Tít bỗng thấy mót đi ngoài, liền nhổm dậy mở cửa đi ra ngoài, thấy trời mát mẻ liền mở cổng rồi lững thững ra chỗ đầu ngõ định ngồi hóng mát một lúc cho thư giãn và nhấm nháp chức chủ tịch xã sắp về tay. Nào ngờ một bóng đen đã nấp sẵn bên bờ hóp nhô ra, trong nháy mắt Phan Tít bị vật ra giữa đường, rồi cũng giống như Phạm Tằng, một trận mưa những quả đấm cực kỳ bí hiểm cứ thế vun vút bổ xuống ngực, xuống bụng, mà quả nào cũng như trời giáng. Trận đòn này Phạm Tằng chưa được hưởng bao giờ, lần này hưởng trọn gói. Sau một chập nã như nã đại bác đến nỗi Phan Tít cảm thấy như thân thể đã nát nhừ, thì một giọng rít lên, tiếng lạ như tiếng ma:
- Này hám quyền chức này… bịch bịch…
- Này đổi vợ lấy chức trọng quyền cao này… bốp bốp…
Cứ một câu hỏi là một trận mưa những quả đấm nặng như búa tạ bổ xuống, đau đến mức không há nổi mồm để kêu. Mãi đến khi một quả tạ tống nóng giáng đúng cái nhọt to ở giữa lưng thì Tít mới rống lên:
- Chết rồi! Chết tôi rồi… và ngất lịm.
Đã đăng:

(Còn tiếp)
Trần Quốc Tiến



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét