Thứ Hai, 12 tháng 2, 2018

SỨC SỐNG THƠ NGUYỄN BÍNH / Th.s. Nguyễn Công Thành




       
        Mỗi lần đến với thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Bính, tôi cảm thấy như được trở về với nguồn mạch trong trẻo nhất của tâm hồn. Và lòng băn khoăn tự hỏi, vì sao trải bao thăng trầm của lịch sử phát triển của thơ ca, ngay cả khi thơ Việt Nam xoay xoả để “hội nhập” với biết bao tìm tòi và cách tân; cộng với sự bùng nổ thông tin bằng các kênh hình hiện đại, rồi độc giả ngày càng có nhiều cảm thức mới về thời cuộc và văn hoá..., vậy mà thơ Nguyễn Bính vẫn luôn giữ được sức lan toả lôi cuốn hết sức tự nhiên, nồng nàn và bền bỉ. Thơ Nguyễn Bính đã nâng hình ảnh của thôn quê dân dã quen thuộc trở thành những thông điệp nghệ thuật đầy gợi cảm tinh tế, làm xao lòng nhiều thế hệ độc giả trong ngoài nước. Đến với thơ Nguyễn Bính là một dịp để được biểu lộ niềm yêu dấu và ngưỡng vọng đối với “đài thơ thôn quê” Nguyễn Bính.

        Cảm nhận đầu tiên, cũng là cảm nhận sâu xa nhất của tôi về sức sống thơ Nguyễn Bính chính là sức sống của thế giới hình tượng thơ đậm đà chất hồn dân tộc. Chất hồn ấy mơn man lan toản trong các sáng tác thơ, kết tinh trong hồn cốt và giọng điệu mỗi bài thơ:
        "Mùa xuân là cả một mùa xanh
        Giời ở trên cao, lá ở cành
        Lúa ở đồng tôi và lúa ở
        Đồng nàng và lúa ở đồng anh.
        Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
        Tôi đợi người yêu đến tự tình
        Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
        Bắt đầu là cái thắt lưng xanh."
                        (Mùa xuân xanh)
        Nguyễn Bính cảm nhận vẻ đẹp trong sáng thuần dã của mùa xuân bằng tấm tình hồn nhiên tươi mới và mơ mộng của chàng trai quê chớm nở tình yêu. Tình quê và sự chân thành đã tạo nên một cách biểu đạt hình ảnh xuân quê thật mới mẻ.
        Không gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Bính đầy ắp hình ảnh và tâm trạng của cảnh làng quê và người nhà quê, chính nơi ông sinh sống và gắn bó. Phải chăng đó là cái gốc làm nên chiều sâu cảm xúc và sức sống của hình tượng thơ. Nguyễn Bính viết bằng cảm xúc thành thật mong muốn được bộc lộ giãi bày. Người đọc luôn cảm thấy như được chia sẻ, đồng cảm; rồi mặc lòng để hồn thơ Nguyễn Bính dắt nẻo đến mỗi con đường làng, gặp những ao rau muống, lảnh mồng tơi, vườn hoa chanh, vườn chè, vườn đay, bãi dâu, giàn trầu, hàng cau liên phòng, giếng thơi, chợ phiên, hội chèo làng Đặng... Để rồi cùng nhà thơ mê mải với nhạc khúc tình quê dìu dặt êm ái như âm hưởng của ca dao dân ca bổng trầm tha thiết:
        "Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
        Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn
        Hai người sống giữa cô đơn
        Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi
        Giá đừng có dậu mùng tơi
        Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng"
                                (Cô hàng xóm)
        Đúng là tương tư, là bệnh tương tư, nhưng ở đây là mối tương tư của chàng trai mới bước vào tuổi yêu. Hình như khác với tâm trạng tương tư của một lớp người - cái tưởng tượng thường lấn át tình cảm thực, ở đây chàng trai luôn diễn đạt bằng sự chân thành mộc mạc mong muốn được thật lòng bày tỏ nỗi yêu thương. Vì vậy tương tư trong thơ Nguyễn Bính không rơi vào cảnh mộng mơ não nề. Với chàng trai quê, “cái dậu mùng tơi” mỏng manh và yếu ớt kia lại có thể trở thành “bức rào” ngăn cách chàng nàng. Điều đáng nói ở đây nỗi khổ sở của chàng trai luôn hướng về phía bên kia “dậu mùng tơi” nơi có người mà chàng cảm mến nhớ nhung lại vô tư hong tơ dưới mái hiên, như giăng mắc tấm tình si của chàng… Bây giờ trong lối sống hiện đại, không thiếu cảnh tỏ tình sống sượng, mới thấy thơ Nguyễn Bính có‎ sức níu giữ bảo vệ một nét đẹp đạo đức truyền thống dân tộc. Tôi nhớ, có lần được nghe nhà thơ Xuân Diệu nói chuyện thơ với sinh viên, ông bảo “ tương tư“ chính là trạng thái cảm xúc thanh sạch thiên lương của con người. Yêu đương mà không dám, mà chưa đủ độ tự tin để thổ lộ với người mình yêu, cứ ôm ấp trong lòng, sợ nói ra mà không được đền đáp thì vỡ mộng, nên cứ sống trong nhung nhớ khắc khoải. Tương tư là thế. Nhà thơ Xuân Diệu còn nhắc nhở nhiều thanh niên nam nữ bây giờ (lúc nhà thơ nói) có biểu hiện yêu đương theo kiểu chiếm đoạt để sở hữu, toan tính đủ điều, mới yêu nhau tuần trước, tuần sau đã đòi hỏi chuyện này chuyện nọ(!) thì làm sao biết đến “tương tư”. Một trong những bậc “đại thụ” thơ tình yêu tâm sự, ta mới thấm thía, chuyện yêu đương mộng mị không chỉ là chuyện “tương tư” tầm phào mà còn là biểu hiện của nhân cách và đạo đức.
        Nếu nói mỗi tác phẩm thơ là một “sinh mệnh nghệ thuật” thì hồn vía trong thơ Nguyễn Bính chính là hồn vía của làng quê nơi ông sinh sống thuở thiếu niên. Trong thơ trước Cách mạng 1945, Nguyễn Bính gửi trọn lòng mình vào cảnh vật thôn quê. Cho nên, thơ Nguyễn Bính hay hấp dẫn, không chỉ bởi cảnh vật làng quê nên thơ, mà chính bởi lòng Nguyễn Bính yêu quê, tự hào với những gì đang có và đang được vui sống với quê hương kiểu “tình quê không chán”. Điều giản dị ấy không phải dễ gì có được ở hoàn cảnh riêng như thi sỹ thuở niên thiếu. Tôi được một số lần đón tiếp các vị khách quí hoặc các bạn văn về thăm quê Nguyễn Bính. Có nhiều vị khách lần đầu, yêu thơ Nguyễn Bính đến mức đam mê, trước khi đi thăm cho rằng Thơ mới đích thực mang hồn Việt chỉ có Nguyễn Bính, rồi góp ý sao không sớm tạc tượng và xây bảo tàng Nguyễn Bính... Nhưng sau khi đến thăm quê và viếng mộ Nguyễn Bính, bồi hồi xúc động và ngộ ra thơ Nguyễn Bính phải được đặt trong môi trường văn hoá làng quê trong trẻo. Sức sống thơ Nguyễn Bính là sức sống của bản sắc văn hoá dân tộc, sức sống ấy thể hiện nhân cách và bản lĩnh của dân tộc. Người ta thường nói chung chung về chất “Hương đồng gió nội” trong thơ Nguyễn Bính. Không hiểu sao, tôi không thích cái cách nói trung tính ấy. Khen hay chê ? Tôi cho rằng bằng những sáng tạo nghệ thuật phong phú, thơ Nguyễn Bính đã nâng cái chất “hương đồng gió nội” của thơ ca dân gian thành thế giới nghệ thuật đa tình đa hương đa sắc của nghệ thuật thơ ca mẫu mực (cổ điển). Chỉ cần đọc từng câu từng chữ của Nguyễn Bính:
        “Hôm qua dưới bến xuôi đò
        Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
        Anh đi đấy, anh về đâu?
        Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm...”
                                (Cánh buồm nâu)
        Hình tượng cánh buồm trước cảnh chia li đã được xuất hiện nhiều lần trong các áng thi ca ước lệ cổ điển, tưởng chừng chất liệu dân dã khó vượt qua. Vậy mà cánh buồm dân dã trong thơ Nguyễn Bính đã thành hình tượng độc đáo mở rộng không gian nghệ thuật của bài thơ. “Cửa tò vò” e ấp kia trở thành điểm nhìn nghệ thuật chứa đầy tâm trạng. Sự lặp lại tưởng như ngẫu nhiên của hình ảnh, nhịp điệu bài thơ cùng với một câu hỏi nghệ thuật lại là lời nhân vật trữ tình, đã làm cho bài thơ từ cái gốc hiện thực trở thành bài thơ chứa chất tâm trạng với sự sáng tạo nghệ thuật độc đáo và mới mẻ. Cái xuất thần trong thơ Nguyễn Bính nhiều khi rất trẻ trung hồn nhiên, làm người đọc không khỏi ngỡ ngàng:
        “Hồn anh như hoa cỏ may
        Một chiều cả gió bám đầy áo em.”
                                (Hoa cỏ may)
        Bài thơ chỉ có hai dòng, nếu theo logic ý thì chỉ là một câu thơ, được biểu đạt bằng một phép tu từ so sánh nghệ thuật. Dòng thứ nhất ai muốn làm thơ đều có thể viết như thế, nhưng dòng thứ hai thì chỉ có Nguyễn Bính. Đây không phải là sự cóp nhặt từ truyền thống, mà thực sự là sự bứt phá vượt lên để làm chủ giọng điệu và bút pháp của Thơ Mới. Tôi dám chắc rằng cụm từ “Hoa cỏ may” phải từ thơ Nguyễn Bính bước ra cuộc đời rồi trở thành một định danh nghệ thuật giàu chất thẩm mĩ được nhiều người trẻ ưa chuộng.
        Nguyễn Bính sinh ra và lớn lên trong một vùng quê giàu truyền thống văn hoá. Làng quê của ông được coi là mảnh đất địa linh nhân kiệt. Do đặc điểm của hoàn cảnh riêng, thuở niên thiếu và ngay cả khi ông lên ở Hà Nội hay vào Sài Gòn, Nguyễn Bính không chính thức vào học ở một trường học chính qui nào. Ông không có điều kiện và chính vì thế ông không bị ràng buộc trực tiếp bởi xu thế hợp mốt Tây học. Có lẽ đó cũng là một trong nguyên nhân ông luôn giữ được hồn thơ trong sáng mang bản chất của nhà quê một cách tự nhiên. Tự nhiên nhưng không quê kiểng thô ráp. Nguyễn Bính hút tinh hoa của nhuỵ văn hoá dân tộc, đặc biệt là văn hoá dân gian. Ông rất mê Nguyễn Du và Truyện Kiều. Có lúc “cao hứng” ông nói vui với bạn bè và tự nhận thơ lục bát Việt, sau nguyễn Du chỉ có ông. Quá trình sống và sáng tác của Nguyễn Bính là một quá trình tự vượt lên mình. Thơ Nguyễn Bính trước cách mạng tháng Tám 1945 là tâm tình của một thi sĩ luôn tự tin ca những khúc “tình thắm duyên quê” đam si nồng nàn đầy khát vọng, luôn mong muốn được sống được yêu giữa chốn thôn quê mà không hề ngại ngùng e thẹn. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam” có một nhận xét rất thú vị và xác đáng: “Người nhà quê của Nguyễn Bính vẫn ngang nhiên sống như thường... Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta”.
Thơ Nguyễn Bính khơi gợi chúng ta nghĩ đến qui luật kết tinh của thơ ca. Phải chăng thơ ca đích thực bao giờ cũng là sự hội tụ linh diệu của các yếu tố: Sự nhạy cảm của tâm hồn chan chứa yêu thương, vốn sống, tầm văn hoá phong phú và sâu sắc; tài năng và sự sáng tạo ngôn ngữ nghệ thuật; khát vọng được bộc lộ giãi bày… Những yếu tố ấy được hình thành xuyên thấu hoà quyện với nhau, làm nên sức sống của thơ.
        Nghĩ về Thơ, tôi thường hình dung đó là một “cuộc việt dã” mang tinh thần văn hoá dân tộc đến với cuộc sống hiện tại và cho tương lai. Nhà thơ được bạn đọc và nhân dân vinh danh “Thi sĩ” là người mang trọng trách cao quí đó. Tên tuổi thi sĩ luôn gắn bó với sản phẩm sáng tạo nghệ thuật của mình. Trải qua bao năm tháng phát triển của lịch sử xã hội và thơ ca, ngày nay đọc lại thơ Nguyễn Bính chúng ta càng hiểu thêm những đóng góp quí báu của thơ Nguyễn Bính vào kho tàng thơ ca Việt Nam. Nguyễn Bính là một thi sĩ được thừa hưởng và tiếp sức bởi cội nguồn thơ ca, văn hoá dân tộc; đồng thời chính ông đã góp phần làm phong phú cho sự phát triển của thơ ca và bản sắc văn hoá dân tộc. Giải thưởng Hồ Chí Minh là phần thưởng cao quí và xứng đáng mà Đảng và Nhà nước đã vinh danh Thơ Nguyễn Bính. Chúng ta luôn tự hào Nam Định là quê hương những nhà văn hóa lớn của dân tộc, trong đó có nhà thơ Nguyễn Bính.
        Nhớ Nguyễn Bính, tự hào về Nguyễn Bính, không gì hơn là thuộc thơ ông, để được nghe giọng tâm tình của ông, không thể trộn lẫn được:
        “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
        Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
        Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
        Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.
        Lòng thấy giăng tơ một mối tình
        Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
        Hình như hai má em bừng đỏ
        Có lẽ là em nghĩ đến anh.”
                                (Mưa xuân)


        Thành Nam
Nguyễn Công Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét