Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

GIỜI ĐẦY CHÁN VẠN / Lại Quang Phục


NT Lại Quang Phục


         Tháng 2 mậu Tuất nhằm ngày sinh cố thi sỹ Nguyễn Bính, tôi và ông bạn già Nguyễn Tiến Chinh đã cùng nhau về thôn Thiện Vịnh, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản thăm nhà lưu niệm và viếng mộ nhà thơ Nguyễn Bính. Kết quả chuyến đi tôi đã viết trên trang Facebook của mình. Hôm nay, sau khi đi dự Đại hội Hội hữu nghị Bulgaria - Việt Nam tôi nhận được giấy mời dự lễ kỷ niệm ngày sinh cố nhà thơ Nguyễn Bính. Ông sinh vào khoảng cuối xuân đầu hạ năm 1918 đến nay 2018 vừa tròn 100 năm. Ông là cây đại thụ của làng thơ Việt Nam và người đời sẽ còn tốn nhiều giấy mực viết về ông, một người bị "giời đầy" chịu nhiều bi thương và cố vượt qua số phận. Năm 13 tuổi ông đã có tập thơ "Tâm hồn tôi" được Tự lực văn đoàn trao giải thưởng. Sau cách mạng tháng 8, ông theo đoàn quân Nam Tiến vào Nam Bộ tham gia kháng chiến, làm văn hóa văn nghệ ở chiến khu. Rồi ông tập kết về Bắc tiếp tục sáng tác làm báo "Trăm hoa" và vòng xoay vần của con tạo đã đưa ông trở về Nam Định quê hương sống và sáng tác. Trải qua bao biến cố thăng trầm, năm 2000 ông đã được nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2, một giải thưởng cao quý nhất ghi nhận những cống hiến của ông trong sự nghiệp sáng tác VHNT. Những vần thơ của ông là bảo tàng sống động nhất về làng quê Việt Nam. Hình ảnh cây đa bến nước sân đình trong thơ ông sẽ mãi mãi tồn tại vĩnh hằng. Chỉ tiếc rằng vào đúng dịp tết Bính Ngọ 1966 vào lúc đất nước bước vào thời kỳ chiến tranh nhà nhà sơ tán người người sơ tán thì ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng tại nơi sơ tán (thuộc huyện Lý Nhân tinh Nam Hà xưa và nay là tỉnh Hà Nam). Một ngày cuối năm, năm hết tết đến trong sự vội vã của một số bạn bè đưa ông về an nghỉ tại nghĩa trang Cầu Họ km 13 đường 21 ngoại thành Nam Định. Xót xa thay ngay cả lúc rời cõi trần gian này ông cũng đơn độc bơ vơ lỡ dở. Mặc dù đã đi qua cuộc đời 4 người phụ nữ và có bốn người con, nhưng lúc ông ra đi không có một người thân bên cạnh. Éo le thay chẳng phải là Giời đầy sao. Suy luận về cái vòng luẩn quẩn của 4 vòng tròn đó đã chi phối cuộc đời ông, sau khi viếng mộ nhà thơ về tôi đã viết bài thơ:





        GIỜI ĐẦY CHÁN VẠN

          Viết tại Nhà Lưu niệm cố thi sỹ Nguyễn Bính thôn Thiện Vịnh, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

        Mưa rơi từ bốn tầng giời
Lệ mi không ngắn giếng thơi ngập tràn
        Yếm sồi hằn vết thời gian
Mồng tơi bật nõn khẽ khàng cõi mê

        Bụi hương Thiện Vịnh thổi về
Đài thiêng ngào ngạt chân quê Thi Thần
        Sang ngang lỡ bước văn nhân
Tha hương bốn độ xoay vần hư vô

        Thôn Đoài cô lái đò xưa
Tầm xuân trái cấm đong đưa dậy thì
        Tương tư vạn lý thị phi
Uống say giữa chợ khóc gì sắc không

        Em van anh đấy!
        sang sông
Tiếng thoi lỡ dở cảm thông nhỡ nhàng
        Quê người năm cạn
        muộn màng
Thiên di bốn nhịp, tóc tang tứ kỳ*

        Nhưng thôi nói nữa làm gì
Giời đầy chán vạn, Đường thi khóc người...

24 tháng giêng Mậu Tuất 2018
        Phục Lại Quang
……………

        *Thi sỹ Nguyễn Bính mất ngày 29 tức 30 tết Bính Ngọ 1966 tại nơi sơ tán xã Công Lý, huyện Lý Nhân tỉnh Nam Hà nay thuộc tỉnh Hà Nam. Sau đó mộ chí của ông phải trải qua nhiều lần di chuyển cho đến lần thứ 4 đưa về đặt tại vườn nhà trong khuôn viên khu lưu niệm của nhà thơ hiện nay. Nhà thơ Nguyễn Thế Vinh có câu thơ viết về cố thi sỹ Nguyễn Bính như sau: “...Một lần chết 4 lần đưa/ Tóc tang mấy độ cho vừa văn nhân...”
          Xin trân trọng gửi đến bạn đọc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét